Cung thánh

Từ ngữ

Từ ngữ “cung thánh” trong tiếng Việt được dịch từ tiếng La-tinh sanctuarium. Từ này, theo nghĩa đen, có nghĩa là đền thánh hay nơi thánh, phát xuất từ chữ sanctus, nghĩa là thánh hay thuộc thần thánh.  Cung thánh là nơi thánh vì quy chiếu đến khu vực phụng tự trong nhà thờ, đặc biệt là chung quanh bàn thờ.

Cung thánh

 

Thánh Kinh

Trong Cựu Ước, lều Hội ngộ hay Đền thờ Giêrusalem, cũng như mọi đền đài thánh trong các tôn giáo khác đều có một nơi cực thánh (1V 6,16; Ed 41,4). Trong thánh đường, cung thánh là nơi linh thánh nhất, tương tự như nơi cực thánh của Đền thờ Salômôn. Cung thánh biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, là thiên đàng nơi Đức Kitô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (x. Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), là nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ các tín hữu.[1]

Cung thánh xưa và nay

Trong các nhà thờ cổ, cung thánh thường được trang hoàng sắc sảo lộng lẫy và thường nằm phía dưới mái vòm của nhà thờ. Thật sự, cung thánh như là một chiếc hộp xinh đẹp chứa đựng viên kim cương quý giá là bàn thờ. Thậm chí, các nhà thờ bên Đông phương còn coi toàn bộ cung thánh là bàn thờ. Do đó, chất liệu để hình thành nên cung thánh (như làm sàn hay trần cung thánh) nên là đối tượng quý giá đặc biệt, đồng thời thiết kế cung thánh phải làm nổi bật lên tính trung tâm và hội tụ của bàn thờ. Nếu như sàn cung thánh cùng được làm bằng chất liệu, ví dụ như cẩm thạch, y hệt chất liệu làm bàn thờ, thì sẽ giúp nối dài hay tỏa rộng sự hiện diện của bàn thờ và như thể đặt bàn thờ vào một thế giới thánh thiêng. Cung thánh cũng phải rộng đủ cho không những chủ tế và giúp lễ mà còn có thể chứa cả số đông các vị đồng tế và những tác viên phụng vụ khác nữa.

Đây là một đề nghị khi xây nhà thờ: i] Thứ nhất, phía đầu cung thánh nên có hình bán nguyệt cùng với những hình ảnh về Chúa Kitô, về Chúa Ba Ngôi được bao quanh bởi các vị thánh và các thiên thần trong đạo binh thiên quốc; ii] Thứ hai, trần cung thánh nên có dạng mái vòm. Tất cả sẽ làm cho người tham dự đặc biệt tập trung vào bàn thờ. Hơn nữa, nó còn là một hình ảnh vừa đẹp đẽ vừa ý nghĩa vì giúp các tín hữu tham dự hướng về bàn tiệc thiên quốc, hướng lòng trí họ lên quê trời và giúp họ dễ dàng cầu nguyện.[2]

Để phân biệt và làm nổi bật cung thánh với những khu vực khác trong nhà thờ, trong khi Giáo hội Chính thống tiếp tục sử dụng các hình ảnh icon trong cung thánh thì Giáo hội Tây phương đã từng có tục lệ dựng lên một hàng rào thấp quanh cung thánh (altar rail – communion rail – chancel rail), vừa có công dụng tách biệt cung thánh [vốn chỉ dành cho hàng giáo sĩ] với lòng nhà thờ hay khu vực của dân chúng, vừa dùng vào việc cho rước lễ mà nay không còn nữa vì từ sau Công đồng Vatican II, nhiều giáo xứ đã gỡ bỏ hàng rào này.

Tại một số nhà thờ, cung thánh nằm trên một trục trực tiếp từ lối vào nhà thờ qua lòng nhà thờ và tiến đến cung thánh khiến mọi người dễ dàng nhận ra. Nhưng một số thánh đường, cung thánh có thể được định vị ở giữa cộng đoàn: chẳng hạn, bàn thờ và giảng đài có thể được đặt đối diện nhau ở hai đầu mút của lòng nhà thờ cùng với cộng đoàn ngồi trong 2 hay nhiều hơn hai khu vực ở mỗi bên.[3]

Mọi nhà thờ khi được thiết lập cho các cử hành phụng vụ cần phải có phần cung thánh. Cung thánh bao gồm bàn thờ tế lễ, giảng đài để công bố Lời Chúa, ghế chủ tọa cho chủ tế và có thể thêm nhà tạm [ở vị trí trục trung tâm phía sau bàn thờ] (DX 62). Cung thánh cũng là nơi cho các thừa tác viên khác thi hành công việc phụng vụ của mình, tức là “thầy phó tế và các người giúp khác phải có chỗ trên cung thánh. Các linh mục đồng tế có thể ngồi tại khu vực cung thánh hay khi số vị đồng tế quá đông, thì sắp xếp ghế ngồi cho các ngài đâu đó trong thánh đường, nhưng phải gần bàn thờ” (QCSL 294).  QCSL 310 thêm rằng: “Cũng đặt ghế trong cung thánh cho các vị đồng tế và các linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế, các vị này phải mặc áo “các phép””.

Hầu hết các hành vi nghi lễ của phụng vụ đều diễn ra tại cung thánh, đặc biệt tại khu vực bàn thờ. Vì thế, để phân biệt với lòng thánh đường và để cho các tín hữu tham dự có thể dễ dàng thấy được các hành động phụng vụ này, người ta thường đôn cao cung thánh lên một số bậc, đồng thời xây dựng cung thánh theo một kiến trúc và trang trí đặc biệt, cũng như làm cho cung thánh gần với cộng đoàn hơn (DX 61). Tuy nhiên, như QCSL 295 nói rõ mà một số bản dịch đã bỏ sót, chỉ nâng cao cung thánh hơn lòng nhà thờ một chút mà thôi, chứ không cao quá như nhiều nơi vẫn làm.

Cung thánh cũng trở nên một nơi đặc biệt, theo ngôn ngữ và giáo lý của chúng ta ngày nay, còn nhờ vào các đối tượng khác như: bàn phụ, các ghế ngồi và các thừa tác vụ nữa. Chẳng hạn, phần đầu lễ và cuối lễ, chủ tế nên đứng tại ghế chủ tọa; phần Phụng vụ Lời Chúa được cử hành tại giảng đài và phần Phụng vụ Thánh Thể tại bàn thờ.

Cung thánh cũng phải đủ rộng để đáp ứng các nhu cầu: i] Cử hành thánh lễ có thể diễn tiến tốt đẹp và được mọi người nhìn thấy tỏ tường (QCSL 295; LNGM 50); ii] Thuận tiện cho việc cử hành bí tích Truyền Chức, chẳng hạn: có chỗ cho các tiến chức phủ phục, cho những hành động phụng vụ chính yếu như nghi thức đặt tay, xức dầu thánh và trao chén thánh (DX 109); iii] Sắp xếp ghế ngồi và bàn quỳ cho cô dâu chú rể  khi cử hành bí tích Hôn Nhân mà không ảnh hưởng đến những vật dụng quan trọng trên cung thánh (DX 115).

Việc trang hoàng cung thánh

QCSL (2002) hướng dẫn như sau:

–  Vì lòng tôn kính đối với việc cử hành tưởng niệm Chúa và đối với bữa tiệc dọn Mình và Máu Chúa, nên phủ bàn thờ nơi cử hành một khăn màu trắng, có hình dáng, kích thước và trang trí thích hợp với cấu trúc của bàn thờ (số 304).

– Nên giữ chừng mực khi trang hoàng bàn thờ. Trong mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa nhật Laetare (IV mùa Chay), các lễ trọng và lễ kính. Việc chưng hoa phải luôn luôn điều độ, và nên đặt hoa chung quanh bàn thờ hơn là trên bàn thờ (số 305).

– Trên bàn thờ chỉ đặt những gì mà việc cử hành thánh lễ đòi hỏi, nghĩa là, Sách Tin Mừng từ đầu cử hành cho đến khi công bố Tin Mừng, chén thánh với đĩa, bình thánh, nếu cần, khăn thánh, khăn lau và Sách Lễ từ lúc trình lễ phẩm cho đến khi tráng chén. Phải đặt cách kín đáo những gì cần khuếch âm tiếng của vị tư tế (số 306).

– Mỗi khi cử hành phụng vụ, cần có những cây nến để tỏ lòng cung kính và mừng lễ (x. n. 117) được đặt trên bàn thờ hay chung quanh bàn thờ, tùy theo cấu trúc của bàn thờ và cung thánh, miễn sao cho có sự hòa hợp chung và đừng cản trở giáo dân nhìn thấy dễ dàng những gì đang thực hiện hay đặt trên bàn thờ (số 307).

– Trên bàn thờ hay gần cạnh, phải có thánh giá có hình Chúa chịu nạn, mà giáo dân tập họp có thể thấy rõ. Thánh giá như thế sẽ gợi cho trí các giáo dân nhớ sự thương khó cứu độ của Chúa, và được để thường xuyên gần bàn thờ ngay cả ngoài lúc cử hành phụng vụ (số 308).

– Trong phụng vụ trần gian, Hội Thánh tham dự, nếm trước phụng vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem, nơi Hội Thánh là lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa; và khi kính nhớ các thánh, Hội Thánh hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các ngài. Do đó, theo truyền thống rất cổ kính trong Hội Thánh, được phép đặt các ảnh tượng Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, và các thánh trong các thánh đường để tín hữu tôn kính. Các ảnh tượng ấy phải được bố trí trong thánh đường sao cho các tín hữu được dẫn dắt đến các mầu nhiệm đức tin được cử hành ở đấy. Nhưng phải liệu sao cho các ảnh tượng đó đừng nhiều quá và được bố trí thế nào để tín hữu khỏi chia trí khi tham dự những lễ nghi. Mỗi vị thánh chỉ nên có cùng một ảnh tượng. Cách chung, trong việc trang trí và sắp xếp thánh đường, việc đặt các ảnh tượng phải lưu tâm đến lòng đạo đức của toàn thể cộng đoàn và vẻ đẹp cùng giá trị của các ảnh tượng (số 318).

Từ những điều kể trên, mức độ mà Giáo hội mong muốn khi đề cập tới việc trang hoàng cung thánh là nên chừng mực vừa phải để làm sao cung thánh được trang nghiêm và thánh thiêng. Có ý kiến cho rằng sự mất mát ý nghĩa thánh thiêng nhiều nhất tại các nhà thờ trong thời kỳ hiện nay là do lơ là hay không coi trọng cung thánh trong nhà của Chúa. Bởi vậy, nên giới hạn việc sử dụng các biểu tượng không liên quan trực tiếp đến chức năng của phụng vụ và tránh tạo ra những chướng ngại che mất tầm nhìn của cộng đoàn tín hữu hay những chướng ngại cản ngăn việc tập trung của tín hữu vào việc cử hành mầu nhiệm thánh.

Áp dụng cụ thể là: việc trang hoàng cung thánh nên ổn định theo đúng nguyên tắc, nhưng vẫn nên để lại những chỗ rộng rãi cho những yếu tố truyền thống phản ánh đúng mùa phụng vụ [như vòng hoa trong mùa Vọng, các cây trạng nguyên vào mùa Giáng sinh chẳng hạn…], và thỉnh thoảng cũng có thể sử dụng những biểu ngữ thật sự mang tính chất nghệ thuật trong các ngày lễ trọng. Dù vậy, nhất thiết nên tránh việc sử dụng các bích chương thông điệp nơi cung thánh cũng như các phẩm vật khác như những bản vẽ của trẻ em vốn dĩ khiến các tín hữu chia trí, lo ra, và không thể tập trung vào phần trọng yếu của việc cử hành phụng vụ. Những vật thể này không nhất thiết phải bị loại ra khỏi khuôn viên nhà thờ, nhưng có thể được đặt tại những nơi khác thích hợp bên ngoài cung thánh.[4]

Cung thánh cũng có thể được coi như biên giới cho vị chủ tế đi chúc bình an, nghĩa là, ngài có thể chúc bình an cho các thừa tác viên, nhưng nên giới hạn ở trong cung thánh, để khỏi làm xáo trộn việc cử hành. Nếu muốn và với lý do chính đáng, ngài sẽ chúc bình an như thế cho vài tín hữu (QCSL 154; BTCĐ 72).

Lm Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

______________________________________

Các chữ viết tắt:

BTCĐ – Huấn thị Bí tích Cứu độ (2004).

DX – Dựng xây từ những Viên đá Sống động (2006).

LNGM – Sách Lễ nghi Giám mục (1984).

QCSL – Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (2002).

1 Dom Robert Le Gall, “Cung thánh” trong Từ điển Phụng vụ (C.L.D.: 1982), 78.

Duncan Stroik, “The Altar as the Center of the Church – Principles of Design”  trong Adoremus Bulletin Online Edition, Vol. XVIII, No. 1 (March 2012).

3 Xc. Joyce Ann Zimmerman, The Ministry of Liturgy Enviremont (Minesota: The Liturgical Press, 2004), 20.

4 Edward McNamara, “Decorating the Sanctuary” trong The ZENIT Daily Dispatch (Rome, 25 May 2004).

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi