Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Tại sao trong trình thuật lập Bí tích Thánh Thể, trước khi đọc lời truyền phép, linh mục không bẻ bánh khi nói: “…Ngài bẻ bánh và trao cho các môn đệ…”, con có ý muốn nói, tại sao linh mục chờ đến kinh Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) mới bẻ Bánh? Con nghĩ rằng câu hỏi này cũng vang lên trong tâm trí của một số linh mục; đó là tại sao, để làm cho có ý nghĩa, một số ít linh mục thực sự bẻ bánh trong khi đọc trình thuật lập Bí tích Thánh Thể. Xin cha giải thích cho con và nhiều người được hiểu! – X. A., thành phố Quezon, Philippines.
Đáp: Trước khi đề cập đến lý do tại sao bánh Thánh không nên được bẻ ra vào lúc gần truyền phép, tôi nhớ lại rằng sự thực hành này đã được đề cập cụ thể trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ, ngày 25-3-2004), số 55: “Sự lạm dụng sau đây phổ biến ở một vài nơi: trong lúc cử hành Thánh Lễ, linh mục bẻ bánh lúc truyền phép. Một sự lạm dụng như thế đi nghịch lại với truyền thống của Giáo Hội. Nó cần bị dứt khoát bác bỏ và được sửa chữa khẩn cấp” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Có nhiều lý do tại sao truyền thống nghi lễ Latinh không bẻ bánh theo nghi thức vào thời điểm nêu trên, và chúng tôi sẽ cố gắng minh họa một số lý do ấy.
Trình thuật lập Bí tích Thánh Thể mô tả bốn hành động của Chúa Kitô: cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Bốn khoảnh khắc này cấu thành nên điều mà chuyên viên phụng vụ Anh giáo nổi tiếng Gregory Dix gọi là “hình dạng” của phụng vụ Thánh Thể.
Thật vậy, Giáo Hội Latinh đã thiết lập một cách nghi thức Phụng vụ Thánh Thể và việc hiệp lễ xung quanh bốn thời khắc này. Việc cầm lấy bánh được diễn tả ở trên bởi nghi thức dâng lễ vật. Việc tạ ơn là yếu tính của Kinh nguyện Thánh Thể. Việc bẻ Bánh được thực hiện trong việc bẻ Bánh ra và việc trao cho các môn đệ của Chúa được thực hiện trong việc Rước lễ.
Trình thuật lập Bí tích Thánh Thể là ở trong Kinh nguyện Thánh Thể, và do đó nằm trong bối cảnh tạ ơn Chúa Cha. Hành động tối cao của việc tạ ơn là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Trong trình thuật lập Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội kể lại với Chúa Cha hành động của Chúa Con, và lệnh truyền của Ngài cho việc tiếp tục hành động tưởng niệm này. Sự tưởng niệm hiệu quả ấy không giới hạn vào sự biến thể của bánh và rượu, nhưng làm cho hiện diện toàn bộ mầu nhiệm cứu độ, khi nhắc lại sự chết, sự phục sinh và lên trời của Chúa Kitô. Không hành vi tạ ơn nào khác cho Chúa Cha có thể sánh bằng với những gì xảy ra trong phụng vụ Thánh Thể cả.
Hiện giờ, bởi vì đối tượng của Kinh Nguyện Thánh Thể là dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha, các cử chỉ ấn tượng hướng đến các tín hữu, như bẻ Bánh hoặc làm một cử chỉ diễn đạt trong khi nói “Các con hãy cầm lấy” là bị sai chỗ, và thực sự làm giảm đi ý nghĩa thiết yếu của nghi thức vào thời điểm này.
Người ta có thể chứng minh rằng lập luận trên đây cũng gợi ý rằng, sự thực hành nghi lễ Latinh của việc linh mục cầm bánh và chén thánh trong tay, và trưng ra cho các tín hữu thấy sau khi truyền phép cũng là sai chỗ. Nói theo thần học, cử chỉ cầm Bánh và Chén thánh, và trưng ra cho các tín hữu là không nhất thiết cần thiết cho tính hợp pháp của việc truyền phép, như được chứng minh qua sự thực hành của một số Giáo Hội phương Đông. Cũng là đúng rằng theo lịch sử, nghi thức trưng Bánh và Chén Thánh đã được đề ra, để đáp ứng với một mong muốn đạo đức của tín hữu được nhìn thấy hai hình Bánh và Rượu.
Tuy nhiên, dù có nguồn gốc nào đi chăng nữa, nghi thức trưng Bánh và Chén thánh đã hưởng gần 1.000 năm chấp thuận, như là một phần của phụng vụ phổ quát của Giáo Hội, và như là một hệ luận, đã hướng dẫn và tăng cường đức tin vào Sự hiện diện thực sự của Chúa trong nhiều thế kỷ. Do đó, nó phải được xem như một sự phát triển hữu cơ hợp pháp của phụng vụ. Tôi tin rằng cử chỉ bẻ bánh trước khi truyền phép không nên được nhìn trong cùng ánh sáng, và không chỉ vì nó đã được đặc biệt phản bác.
Nghi lễ Rôma, khi đặt việc bé Bánh sau Kinh Nguyện Thánh Thể và cho đi kèm với bài “Lạy Chiên Thiên Chúa”, nhấn mạnh rằng chúng ta chia sẻ Chúa Kitô Cứu Thế của chúng ta, chứ không phải tấm bánh bình thường. Chúng ta tham gia một bữa tiệc hy tế. Lời cầu xin Chúa thương xót và ban bình an cho chúng ta được củng cố bởi đức tin này. Việc bẻ bánh trước khi truyền phép, và và do đó trước khi hoàn thành lời tạ ơn của chúng ta, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa này.
Một lập luận cuối cùng, mặc dù yếu hơn, có thể được đưa ra từ quan điểm của tính hợp lý cho nghi thức. Nếu người ta chấp nhận rằng các từ ngữ “Ngài bẻ bánh” nhất thiết bao hàm việc thực hiện cử chỉ theo nghi thức, thì người ta cũng có thể lập luận rằng việc như thế cũng có thể được áp dụng cho các từ ngữ “ Ngài trao cho các môn đệ của Ngài”. Chúng ta có thể phân phát cách hợp lý Bánh thánh cho mọi người, trước khi đọc lời truyền phép. Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào để giải quyết việc trao Chén thánh cả.
Lập luận này, lẽ tất nhiên, là vô lý và chỉ phục vụ cho việc nêu ra rằng không phải mọi từ ngữ nghi thức đòi hỏi một cử chỉ kèm theo, đặc biệt là khi phụng vụ tự nó đã giải nghĩa ý nghĩa sâu xa của nó một cách đầy đủ hơn.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 5-10-2010)
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.