Chào đời ngày 30 tháng 4 năm 1651, tại thành Rheims nước Pháp, trong một gia đình giầu có và quyền thế. Cha của Gioan Lasan là một vị thẩm phán danh tiếng. Mẹ cậu là một thiếu phụ rất đạo hạnh. Vốn bẩm tính ngoan ngùy, Gioan Lasan đứng trước một tương lai vô cùng sáng ngời, đầy hứa hẹn nối dõi nghiệp cha, làm rạng danh cho giòng họ.
Nhưng chương trình thánh Ý Thiên Chúa khác với dự tính loài người! Ngay từ 11 tuổi, cậu Gioan Lasan đã dâng mình cho Chúa để tiến tới cuộc sống hiến thân của viện Xuân Bích ở Ba Lê với bằng Tiến Sĩ Thần Học, Gioan Lasan thụ phong Linh Mục năm 27 tuổi.
Mặc dầu được bổ nhiệm làm “kinh sĩ ” nhà thờ chính tòa thành Rheims, cha Gioan Lasan bị thu hút đặc biệt vào việc phục vụ các trẻ thơ bất hạnh, nghèo khó trong những xóm “bùn lầy nước đọng”. Tình thương bao dung đã thúc đẩy cha tìm mọi cách để giáo dục những đứa trẻ đáng thương này. Với sự giúp đỡ của một số người hảo tâm, cha bắt đầu mở trường cho trẻ em nghèo. Tại đây, không những cha dậy chúng biết đọc biết viết, mà còn dậy cho chúng biết sống theo gương mẫu cuộc đời Chúa Kitô.
Công việc bác ái, từ tâm của cha Gioan Lasan đã làm cớ ghen tương cho các giáo chức trong miền. Họ sợ bị mất việc, ảnh hưởng bị lu mờ. Họ kêu ca bàn tán, rồi họ họp nhau tìm đủ cách đả phá cha. Bầu khí ngày một thêm căng thẳng, đến nỗi nhóm giáo chức đã thuê tụi khủng bố, ban đêm đột nhập ngôi trường của cha phá hủy mọi sự
Hôm sau, đứng trước cảnh đổ nát của ngôi trường, cha bình tĩnh nói với 200 học sinh của ngài:
– Thiên Chúa muốn như vậy! Ngài có lý do riêng của Ngài! Nhưng chúng ta sẽ chuyển tới nơi khác, rồi xây trường mới.
Trước tấm gương hiến thân xả kỷ của cha Gioan Lasan, một số thanh niên đã tình nguyện theo Ngài dâng hiến cuộc đời phục vụ trẻ thơ. Với nhóm thanh niên thiện chí này, cha Gioan Lasan đã dần dần huấn luyện họ thành những “Sư Huynh” tiên khởi. Hội dòng các “Sư Huynh” bắt đầu từ đây.
Lý tưởng cuộc đời cha Gioan Lasan và mục đích của hội dòng “Sư Huynh” đã vạch rõ: giáo dục các thanh thiếu niên, nhất là các trẻ em nghèo. Hội dòng phát triển ngày một nhanh. Phương pháp giáo dục ngày một thành công. Về sau cha phải mở thêm nhiều trường cho cả thanh thiếu niên thuộc những gia đình giầu có. Dầu vậy, cha luôn phải đương đầu với những ghen tương, đố kỵ của loài người, và các thử thách do Thánh Ý Chúa an bài gửi đến. Ðứng trước đau khổ, tâm hồn ngài luôn tươi vui bình tĩnh. Vui vẻ, cởi mở và bình dân là những đức tính nổi bật nơi ngài.
Sau khi hội dòng “Sư Huynh” thành hình, cha Gioan Lasan muốn có cơ hội hòa mình trong cuộc sống cộng đồng dòng, ngài liền xin từ chức “kinh sĩ” nhà thờ chính tòa, trở về sống giữa các sư huynh. Cuộc sống gương mẫu, hoàn toàn phó thác, tin cậy nơi Ðấng Quan phòng của cha Gioan Lasan đã nhiều lần làm nên phép lạ. Một lần kia, hội dòng phải di chuyển từ Ba Lê tới một thành phố khác. Ðã tới ngày phải trả lương cho những người giúp di chuyển đồ đạc, thế mà trong túi sư huynh quản lý không còn một đồng! Sư huynh liền chạy đến cha Gioan kể lể sự tình, đồng thời xin ngài cứu nguy tình thế! Cha Gioan trả lời:
-Ồ cha cũng chẳng còn một xu nào!
-Vậy phải làm sao, thưa cha?
-Con đừng lo! Hãy cầu nguyện và phó mặc nơi Chúa.
Ngày hôm sau, người ta kéo nhau tới đòi tiền lương! Sư huynh quản lý vô cùng lúng túng, vội chạy đến cha Gioan. Ngài chỉ nở nụ cười tươi và bảo sư huynh hãy tin tưởng nơi Chúa.
Trở về nơi làm việc, sư huynh quản lý dáng điệu băn khoăn, tay chân thừa thãi, mân mê ngăn kéo chiếc bàn làm việc cũ kỹ, mà ngày hôm trước sư huynh đã kéo ra đóng vào hàng trăm lần, để xem còn xót đồng xu nào không! Lạ thay, lần này sư huynh ngỡ ngàng bắt gặp số tiền vừa đủ để trả lương thợ, không hơn không kém một xu! Sư huynh hớt hả chạy đến cha Gioan:
– Ðây thật là một phép lạ!
-Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, cha Gioan trả lời , Ngài không bao giờ bỏ rơi những kẻ tin cậy nơi Ngài!
Cuộc đời cha Gioan Lasan còn nêu cao tấm gương khiêm nhường và hãm mình. Một ngày đẹp trời nọ, cha đang thong thả bên vườn, đồng thời để mắt trông chừng con ngựa của hội dòng đang gặm cỏ gần đó. Nhưng dần dà, ngài ngây ngất thả hồn trong Chúa qua nguyện cầu. Con ngựa thừa cơ lấn lá sang đồng cỏ người hàng xóm lúc nào không hay! Lập tức, ông hàng xóm hằn học xông đến trước mặt cha Gioan:
– Cha tưởng đồng cỏ nào cũng trồng cho ngựa của cha ăn sao!
Và trong cơn bực tức, ông hàng xóm giơ tay vả cha Gioan một cái nên thân! Trong khi đó, cha Gioan dáng vẻ điềm tĩnh hiền hòa, ngài khiêm nhượng quì gối trước mặt ông hàng xóm, xin ông tha lỗi! Trước cảnh đó, người hàng xóm nguôi giận, và vô cùng hổ thẹn về hành động nóng nảy xấc xược của mình.
Hôm khác, sư huynh “đầu bếp” nổi hứng ra vườn hái về một số rau lạ, để nấu canh cho bữa ăn trưa. Nhưng canh gì mà mùi vị đắng đót kinh khủng! Các sư huynh chỉ húp một muỗng là phải vội vàng bỏ ngay xuống! Họ thà nhịn đói còn hơn ăn thứ canh gở lạ đó!
Nhưng còn cha Gioan thì sao? Ngài bình thản ăn trọn bát canh, không một mảy may khó chịu, không một thái độ nhăn nhó. Ngài ăn ngon lành như ăn một món cao lương mỹ vị nhất! Trước tấm gương hãm mình đó, các sư huynh vô cùng cảm phục, không ai bảo ai, mọi người lẳng lặng ăn hết bát canh theo gương đấng sáng lập Dòng!
Trong năm cuối đời, cha Gioan Lasan đặt người thay thế, rồi sống những ngày còn lại trong mai danh ẩn tích. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh mồng 7 tháng 4 năm 1719, ngài từ trần sau một cơn đau liệt giường, hưởng thọ 68 tuổi.
Cha Gioan Lasan được phong thánh ngày 24 tháng 5 năm 1900. Dòng “Sư Huynh” do Ngài sáng lập ngày nay đã lan tràn hầu khắp các nước trên thế giới. Hàng năm Giáo Hội mừng kính Ngài vào ngày mồng 7 tháng 4.
Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Gioan Lasan để rèn luyện đức tin cho giới trẻ. Ngày nay, xin Chúa cũng cho xuất hiện trong Hội Thánh những nhà giáo dục tận tâm lo cho giới trẻ nên người và nên con cái Chúa
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.