Tìm hiểu Phúc-Lộc-Thọ

Đất trời đang giao thời chuyển từ mùa Đông giá rét sang tiết Xuân ấm áp. Như vậy là một năm nữa lại qua đi, và khởi đầu một năm mới! Có chịu cái lạnh của mùa Đông mới thấy quý hơi ấm của mùa Xuân. Cuộc đời cũng vậy, có thất bại mới thấy khao khát thành công mà cố vươn lên, có đau khổ mới thấy trân trọng hạnh phúc khi được nếm hưởng – dù chỉ một chút.

Những lo lắng, những gian lao, những bươn chải của năm cũ đã khép lại. Giờ là lúc chúng ta “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Giờ là lúc ta được nghỉ ngơi, vui thỏa. Giờ là lúc chúng ta sum vầy, đoàn viên.

Cuộc sống có nhiều thứ cần, cả thể xác và tinh thần. Có thể tóm gọn trong bộ ba cơ bản cần thiết nhất là Phúc-Lộc-Thọ (Giản thể: 福禄寿; Phồn thể: 福祿壽; Bính âm: Fú Lú Shòu). PHÚC (Phước) là điều tốt lành, LỘC là sự thịnh vượng, và THỌ là sống lâu.

PHÚC-LỘC-THỌ THEO VĂN HÓA

Theo văn hóa Trung Hoa, Phúc-Lộc-Thọ được tượng trưng bằng ba ông già, gọi là Tam Đa. Người Nhật gọi Phúc-Lộc-Thọ là Fukurokuju, một trong Thất Phước Thần theo thần thoại Nhật bản.

Ông PHÚC (còn gọi là ông Đa Phúc) thường được đặt ở giữa tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Ông Phúc mặc phẩm phục, đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm ngọc như ý và bế hài nhi. Ông tên là Quách Tử Nghi, làm quan đời nhà Đường. Ông làm quan thanh liêm, nghèo túng nhưng thanh bạch. Vợ giữ đúng đạo làm vợ, con giữ đúng đạo làm con, cháu chắt giữ đúng đạo làm cháu chắt…

Khi ông bà bước sang tuổi 83 thì có chút (chút đích tôn ở đời thứ 5 mà người đời quen gọi là “ngũ đại đồng đường”). Ông bà Quách sung sướng ôm đứa chắt nội vào lòng, cùng cười một tiếng dài rồi cùng nhau viên tịch (qua đời). Việc quy tiên của ông bà Quách đúng là “tiên cảnh nhàn du” mà người già đều mong ước.

Người ta gọi ai được như vậy là “người có phúc”. Vì theo quan niệm xưa, nhà đông con là nhà có phúc nên đôi khi còn thấy có một đứa trẻ đang nắm lấy áo ông Phúc, hoặc nhiều đứa trẻ vây quanh ông, hoặc có hình ảnh con dơi bay xuống ông (dơi phát âm giống âm chữ “phúc”). Quan niệm xưa cũng cho rằng người có phúc là người có địa vị xã hội, có quyền thế, muốn gì được nấy – ngày nay gọi là “hên”.

Ông LỘC (còn gọi là ông Đa Lộc hoặc Thần Tài) tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Ông tên là Đậu Từ Quân, sinh tại Giang Tây, làm quan đời nhà Tấn. Ông làm quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, “lộc” phát âm gần với âm chữ “lục”, tay cầm “ngọc như ý” hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu cũng được phát âm giống âm chữ “lộc”).

Trông ông thật oai vệ, bụng to, cân đai xệ xuống. Nhưng buồn thay, năm ông 80 tuổi mà vẫn chưa có cháu đích tôn. Con cái và cháu chắt là “đệ nhất lộc trời”, như ca dao nói: “Có chồng mà chẳng có con, khác nào hoa nở trên non một mình”. Do đó, suốt đời ông chỉ lo kiếm được nhiều lộc. Mà Lộc nhiều để làm gì và để cho ai nhỉ?

Ông THỌ (còn gọi là ông Đa Thọ) tượng trưng cho sự sống lâu với hình ảnh là một ông già râu tóc bạc phơ, trán hói và dô cao, tay cầm trái đào tiên, bên cạnh thường có thêm con hạc. Ông tên là Đông Phương Sóc, làm quan đời nhà Hán. Trong đời làm quan, ông luôn tìm những lời nói hay để làm vừa lòng Thiên tử (vua) nên luôn được ban cho rất nhiều bổng lộc. Mỗi lần được vàng, bạc vua ban, ông lại đem cưới mỹ nữ về làm tỳ thiếp. Vì vậy, thê thiếp của ông nhiều vô kể. Đông Phương Sóc hưởng thọ 125 tuổi. Khi Đông Phương Sóc viên tịch, con cháu của ông đều đã chết cả. Cháu tứ đại (4 đời) phải thay bố làm ma cho cụ cố.

Người ta sắp xếp ba ông Phúc-Lộc-Thọ gần nhau để khuyên răn hậu duệ: Chỉ nên học ông Phúc mà thôi. Vì chính trong cái Phúc đã bao gồm cả tuổi thọ, phú quý, an lạc, và con cháu đông đúc.

Thi sĩ Nguyễn Khuyến cũng nhắc tới Phúc trong một câu đối Tết: “Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa / Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Những câu đối được dán hai bên bàn thờ tổ cũng có chữ Phúc: “Phước thâm tự hải / Lộc cao như sơn”, hoặc: “Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ / Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường”.

Rất nhiều những câu đối Tết liên quan Phúc-Lộc-Thọ:

– Phúc Thọ phồn vinh / Lộc tài phát đạt.

– Phúc Thọ vô biên / Lộc tài vô tận.

– Đa tài, đa lộc, đa phú quý / Đắc thời, đắc lộc, đắc nhân tâm.

– Phúc mãn đường niên tăng phú quý / Đức lưu quang nhật tiến vinh hoa.

– Tân niên, tân phúc, tân phú quý / tấn tài, tấn lộc, tấn bình an.

– Lộc biếc, mai vàng, Xuân hạnh phúc / Đời vui, sống khỏe, Tết an khang.

Trong bộ ba Phúc-Lộc-Thọ, người ta vẫn coi trọng nhất là Phúc. Có lẽ vì vậy mà Phúc được đặt đầu tiên trong bộ ba đó.

PHÚC-LỘC-THỌ THEO KINH THÁNH

Bộ ba Phúc-Lộc-Thọ gợi nhớ Tam Vị Nhất Thể – Một Chúa Ba Ngôi. Đó là mầu nhiệm quan trọng của Công giáo, không thể lý giải theo trí tuệ nhân loại mà chỉ có thể “hiểu” bằng Đức Tin: MỘT mà BA, BA mà MỘT.

Chuyện kể rằng, có lần Thánh Augustinô đang miệt mài suy nghĩ để lý giải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thì ngài gặp một em bé đang múc nước biển đổ vào một cái lỗ. Ngài thấy lạ nên hỏi em làm gì, em bé nói: “Con đang tát cho cạn biển”. Ngài bảo: “Đó là việc làm ngớ ngẩn. Không thể nào tát cạn biển được”. Em bé hồn nhiên trả lời: “Việc con làm đây tuy khó nhưng còn dễ hơn điều bác đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình tỉnh ngộ. Đó là có PHÚC!

Trong Cựu ước, PHÚC vẫn được nhắc tới nhiều : “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2); “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người” (Tv 128:1).

Trong Tân ước, Đức Giêsu thường nhắc đến Phúc. Ngay trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:3-12), còn gọi là Bát Phúc hoặc Tám Mối Phúc Thật, Ngài đã nói ngay tới Phúc. Có lần Ngài nói với Tông đồ Phêrô: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).

Thánh Êlidabét nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1:42).

Và Đức Giêsu còn nói tới nhiều loại Phúc:

– Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng (Mt 6:1).

– Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11:6).

– Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe (Mt 13:16).

– Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy (Mt 24:46). Đó là nói về quản gia tín trung, khôn ngoan và tỉnh thức.

Khi nói tới PHÚC thì đã hàm ý có LỘC: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:2 và 4); hoặc: “Đức Chúa đã đổ muôn vàn phúc lộc xuống cho chủ tôi” (St 24:35).

Có sinh ắt có tử. Nhưng đâu ai muốn chết yểu hoặc chết sớm. Nghĩa là người ta mong được sống lâu, sống THỌ, càng trường thọ càng tốt: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con” (Tv 138:7), được “bảo toàn mạng sống” tức là chưa chết; hoặc: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118:17), “không phải chết” tức là còn được sống thêm, được tăng tuổi thọ.

Tuổi thọ liên quan Thập Giới (Mười Điều Răn): “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ, còn tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi” (Cn 10:27), và có lợi: “Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khangtrường thọ” (Hc 1:12). Tuổi thọ cũng liên quan chữ Hiếu: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3:16). Đồng thời còn liên quan cách sống trung thực: “Ai khinh chê lợi lộc bất chính sẽ đượctrường thọ” (Cn 28:16).

Nói chung, tuổi thọ nhờ vào Mến Chúa và yêu người: “Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ” (Hc 1:20).

CHÚC TẾT HAY MỪNG TUỔI ?

Lâu nay, có hai khái niệm hay bị sử dụng nhầm lẫn là “Mừng Tuổi” và “Chúc Tết”. Khi chúc Tết cha mẹ, ông bà, rất nhiều con cháu đều nói: “Chúng con mừng tuổi ông bà/cha mẹ”. Thực ra, đây là một ngộ nhận đáng tiếc! Chỉ có ông bà, cha mẹ (bậc trên, hơn tuổi) mới MỪNG TUỔI cho con cháu: mong cháu con thêm một tuổi thêm lớn khôn, trưởng thành. Do vậy, con cháu PHẢI “chúc Tết” ông bà cha mẹ chứ không phải “mừng tuổi”. Tâm lý thường tình, khi con người về già, ai cũng “sợ” năm hết Tết đến, vì thêm một năm mới là giảm một năm được vui sống với cháu con. Nói thẳng ra là “gần đất, xa trời” hơn. Nếu chúng ta “mừng tuổi” ông bà và cha mẹ là mừng vì các ngài sắp… chết!

Tết mặc nhiên mang đến niềm vui, nhưng cũng mang nghĩa “chết trong lòng một ít”. Tùy người, tùy hoàn cảnh, tùy tâm trạng. Cụ Nguyễn Khuyến phân vân: “Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái / Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân”.

Hoặc chua chát như cụ Tế Xương: “Thiên hạ xám rồi, còn đốt pháo / Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi”. Đó là hình ảnh ngày Tết ngày xưa, có nêu cao, có pháo đỏ, và tục lệ bôi vôi trước cửa để xua đuổi tà khí. Đọc câu đối của cụ Tú Xương mà nghe cay lòng quá! Đó là đời thực của các nhà nho bất phùng thời!

Tết là dịp để “ôn cố tri tân”. Ước mong sao cuộc sống sẽ thay đổi theo hướng tích cực về những giá trị truyền thống, văn hóa, văn minh,… đối với cả xã hội và Giáo hội. Sự linh thiêng của ngày Tết cổ truyền là điều quý giá, nên được duy trì và trân trọng.

Cung Chúc Tân Xuân! Chúc Mừng Năm Mới!

TRẦM THIÊN THU

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi