Một trẻ em đã rửa tội thì hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội chưa?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

ruatoi.jpgHỏi: Gần đây, tôi đã được yêu cầu cho một trẻ em 10 tuổi, đã được rửa tội là người Anh giáo, gia nhập đạo Công giáo. Trong ‘Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo dành cho người lớn’ (RCIA), dường như không khoản nào nói về trẻ em đã được rửa tội, được đưa vào đức tin Công giáo, do đó, tôi chỉ đơn giản sử dụng phần chung “Tiếp nhận các Kitô hữu được rửa tội vào sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội Công giáo”. Phần này dường như chỉ ra rằng việc ban phép Thêm sức có thể diễn ra, nhưng vì trẻ em là chưa đủ tuổi nhận phép Thêm sức như bình thường (phải khoảng 12 tuổi), nên tôi đã bỏ qua phần nghi thức này. Điều này có đúng không, hay là tôi cứ ban phép Thêm sức cho trẻ đó? Trong việc in giấy chứng nhận cho gia đình của đứa trẻ, tôi nên nói đến nghi thức như là “Nhận vào sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội Công giáo” hay chỉ đơn giản là “Nhận vào Giáo hội Công giáo” – bởi vì đứa trẻ chưa lãnh phép Thêm sức thì chưa có các bí tích khai tâm đầy đủ? – J. D., Leeton, Australia

Đáp: Theo giáo luật:

Điều 889: §1. Tất cả và chỉ những người đã lãnh Bí Tích Rửa Tội và chưa lãnh Bí Tích Thêm Sức mới có khả năng lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức.

§2. Ngoài trường hợp nguy tử, muốn lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cách hợp pháp, nếu đương sự biết xử dụng trí khôn, thì phải học hỏi đầy đủ, chuẩn bị xứng đáng và có khả năng lặp lại những lời hứa khi chịu Bí Tích Rửa Tội.

Ðiều 890: Các tín hữu có bổn phận phải lãnh nhận Bí Tích này vào thời gian thích hợp. Do đó, cha mẹ, các Chủ Chăn, nhất là các Cha Sở, phải lo liệu để các tín hữu được dạy dỗ kỹ lưỡng để lãnh nhận Bí Tích, và được lãnh nhận vào thời gian thích hợp.

Ðiều 891: Bí Tích Thêm Sức được ban cho tín hữu vào tuổi biết phán đoán, trừ khi Hội Ðồng Giám Mục hạn định một tuổi khác, hoặc gặp trường hợp nguy tử, hay, theo sự nhận định của thừa tác viên, một lý do quan trọng đòi hỏi thể khác. (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh)

Ngay cả trong trường hợp mà luật bổ sung tồn tại, Giáo luật 843 §1 nói: “Thừa tác viên thánh không được từ chối ban Bí Tích khi có người xin lãnh nhận một cách thích đáng, đã được chuẩn bị hợp lệ và không bị giáo luật cấm nhận lãnh Bí Tích”. Trong một bài trả lời ngày 29-8-2006, chúng tôi đã xem xét cách thức mà Thánh Bộ Phụng Tự sử dụng khoản luật này, trong việc bênh vực một bé gái 11 tuổi, người đã bị từ chối phép Thêm sức, dựa vào chính sách của giáo phận cho một độ tuổi lớn hơn.

Nói chung, chúng tôi có thể nói rằng đối với khả năng Rước lễ lần đầu và lãnh phép Thêm sức, Giáo Hội xem tuổi khôn là đủ rồi.

Điều này giải thích phần nào sự thiếu vắng ‘Nghi thức Khai tâm Kitô Giáo dành cho trẻ em lớn tuổi hơn”. Đối với Giáo Hội, các trẻ em này có thể được xem như là người lớn. Vì vậy, khi trẻ em đã đến tuổi khôn, được rửa tội hoặc được tiếp nhận vào sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo Hội Công Giáo, thì chính sách chung là cho chúng lãnh các bí tích khai tâm đầy đủ, là Rước lễ vỡ lòng và phép Thêm sức.

Một số Hội đồng Giám mục đã minh nhiên nói về việc thực hành này. Vài năm trước đây, ví dụ, các giám mục Tây Ban Nha đã công nhận một vấn đề mục vụ tương đối mới cho quốc gia đó. Noi theo các xu hướng phổ biến, một số bậc cha mẹ đã hoãn việc Rửa tội cho con cái của họ. Khi đến tuổi Rước lễ vỡ lòng, các em này, những người thường xuyên tham gia các lớp giáo lý, bắt đầu diễn tả sự mong muốn chia sẻ cùng một tiến trình như các người đồng hành của họ.

Sau khi cân nhắc, các Giám mục đã quyết định rằng các trẻ em này nên tham gia vào một chương trình giáo lý đặc biệt. Chương trình sẽ dẫn các em đến nhận lãnh ba bí tích khai tâm trong cùng một buổi cử hành, thay vì lãnh phép Rửa tội và Rước lễ vỡ lòng với các người đồng hành.

Chính sách này là phù hợp với ý của Giáo Hội. Nói cách khác, nếu một đứa trẻ đã đến tuổi khôn, và có ý thức đủ để có thể ước muốn cách tự do và lãnh nhận phép Rửa tội, thì người ta có thể hợp lý giả định rằng đứa trẻ ấy cũng đã sẵn sàng lãnh nhận các bí tích khác.

Đối với giấy chứng nhận, tôi sẽ nói rằng độc giả trên đây chắc là thích sử dụng công thức thứ nhất hơn. Thậm chí nếu đứa trẻ chưa lãnh phép Thêm sức, nó đã ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội rồi. Nếu không, chúng ta có thể suy ra rằng các người Công giáo đã rửa tội mà chưa lãnh phép Thêm sức, thì bằng cách nào đó chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội.

(Nguyễn Trọng Đa/
Zenit.org 23-10-2012)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi