VẤN ĐỀ 15: Nói Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng từ bi và thương xót. Vậy tại sao trong Thánh Kinh Cựu Ước lại có điều luật Mô-sê xem ra tàn bạo như án tru hiến, qua đó Đức Chúa truyền cho dân Ít-ra-en phải tiêu diệt mọi kẻ thù khi tiến chiếm được một thành nào tại hứa địa. Chẳng hạn như khi họ đánh chiếm thành Giê-ri-khô ?
A. TRÌNH BÀY:
1. Kinh thánh Cựu Ước cho thấy: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương đối với Ít-ra-en là con dân của Ngài. Rồi Kinh Thánh Tân Ước lại cho thấy Thiên Chúa là Cha chung đầy tình thương với mọi người và mọi dân tộc:
***CỰU ƯỚC:
1) Đức Chúa âu yếm con dân Ít-ra-en như mẹ hiền với đứa con thơ:Ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm lời Đức Chúa như sau: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa. Núi non hãy bật tiếng hò reo. Vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người. Xi-on từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi !”. Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta,Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ !” (Is 49,13-15).
2) Đức Chúa ân cần chăm sóc dân Ít-ra-en như Mục Tử tốt lành chăm sóc đàn chiên: Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Chúa: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ.Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm. Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng (Ed 34,15-16).
3) Đức Chúa tỏ tình thương với dân Ít-ra-en như với một tình nhân: Hô-sê đã dùng kiểu nói bóng để diễn tả tình yêu của Đức Chúa đối với dân Ít-ra-en như sau: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó nó sẽ đáp lại như buổithanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập” (Hs 2,16-17). “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa (Hs 2,21-22).
4) Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hâu: Thánh vinh 103 đã ca tụng tình thương của Thiên Chúa như sau: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,8-11.13).
5) Đức Chúa yêu thương mọi tạo vật do Ngài tác tạo: Tác giả sách Khôn Ngoan chứng thực điều này khi kêu lên: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra. Vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (Kn 11,24); “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống. Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,26).
***TÂN ƯỚC:
Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho loài người biết Ngài là tình yêu: Thánh Gio-an Tông đồ viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Ngài như sau:
1) Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật: Tin Mừng Gio-an viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
2) Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm cho loài người, bằng việc sai Con Một nhập thể làm người là Đức Giê-su, để dạy cho loài người nhận biêt Thiên Chúa yêu thương và mở ra một con đường mang lại sự sống đời đời cho loài người là đạo Công giáo. Cuối cùng Đức Giê-su đã sẵn sàng chấp nhận chịu khổ hình thập giá để đền tội thay cho loài người và ngày thứ ba Người đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho loài người. Cuộc đời của Đức Giê-su đã biểu lộ tình yêu thương vô cùng của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua việc tình nguyện chịu chết trên cây thập giá như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
3) Đức Giê-su đã yêu thương môn đệ đến cùng nên đã lập bí tích Thánh Thể: Tin mừng Gio-an viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời cho những ai tin và ăn Thịt uống Máu Người cách mầu nhiệm khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể (x. Ga 6,48-51). Người còn hứa sẽ ở lại với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).
4) Đức Giê-su dạy môn đệ yêu thương nhau như Thầy, và coi yêu thương nhau là dấu hiệu môn đệ thực sự của Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
5) Đức Giê-su dạy yêu thương không những bằng lời nói mà còn bằng hành động: Luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho nhau: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22); Rửa chân hầu hạ lẫn nhau (x. Ga 13,4-15); Quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất cho nhau: Cảm thông và nhân bánh ra nhiều cho những kẻ đang đói được ăn no (x. Lc 9,12-17); Quan tâm phục vụ nhau: chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ ra khỏi người bị chúng ám, chữa người bị kinh phong, bại liệt (x Mt 4,24); Yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ đang thù ghét bách hại mình: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)…
2. Như vậy cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều cho thấy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, giàu lòng từ bi thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Tuy nhiên tại sao trong Luật Mô-sê lại ghi lại một số lệnh truyền của Đức Chúa cho dân Ít-ra-en phải thi hành gọi là ÁN TRU HIẾN VÀ BIỆT HIẾN? Một số đoạn Sách Thánh đã ghi lại việc dân Ít-ra-en đã thi hành án tru hiến và biệt hiến như sau:
1) Sách Đệ-nhị luật (Chương 7 và chương 20) ghi các Luật Mô-sê về “án tru hiến” và Biệt hiến:
– “Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) trao chúng cho anh (em) và anh (em) đánh bại chúng, thì anh (em) phải tru hiến chúng, không được lập giao ước với chúng và không được thương xót chúng. Anh (em) không được kết nghĩa thông gia với chúng: Không được gả con gái anh (em) cho con trai chúng và cưới con gái chúng cho con trai anh (em). Vì điều đó sẽ khiến con trai anh (em) không còn theo Đức Chúa nữa, nó sẽ thờ những thần khác. Bấy giờ Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh (em) và sẽ mau chóng tiêu diệt anh (em). Nhưng anh (em) phải xử với chúng thế này: bàn thờ của chúng phải bị phá hủy; Trụ đá của chúng phải bị đập tan; Cột thờ của chúng phải được chặt đi; Tượng thần của chúng phải bỏ vào lửa thiêu. Thật vậy, anh (em) là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em). Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) đã chọn anh (em) từ giữa muôn dân trên đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 7,2-6).
– “Khi chiếm đánh một thành, anh (em) phải kêu gọi họ giảng hòa. Nếu thành ấy đồng ý giảng hòa với anh (em) và mở cửa cho anh (em), thì toàn dân ở đó sẽ phải làm việc lao dịch cho anh (em) và làm tôi anh (em). Nhưng nếu thành ấy không chịu cầu hòa với anh (em) và khai chiến với anh (em), thì anh (em) sẽ vây hãm thành đó. Đức Chúa Thiên Chúa của anh (em) sẽ trao thành ấy vào tay anh (em), và anh (em) sẽ dùng lưỡi gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. Chỉ có đàn bà con trẻ, gia súc và tất cả những gì ở trong thành, tất cả những gì chiếm được trong thành, thì anh (em) mới được giữ lấy làm chiến lợi phẩm. Anh (em) sẽ được ăn những gì đã chiếm của quân thù, những thứ mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) ban cho anh (em)” (Đnl 20,10-14).
2) Sách Dân số (21,1-3) và Thủ lãnh (1,13) đã đề cập tới việc hai anh em Si-mê-on và Giu-đa đã thi hành án tru hiến khi chiếm được thành Khooc-ma thuộc xứ Ca-na-an.
3) Sách Giô-su-ê (chương 6) kể lại việc dân Ít-ra-en chiếm được thành Giê-ri-khô, rồi “phóng hỏa đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó”, trừ gia đình cô Ra-kháp là người đã có công trợ giúp mấy người Ít-ra-en đến do-thám trước đó.
4) Sách 1 Các Vua (Chương 18) đã kể câu chuyện ngôn sứ Ê-li-a đã tiêu diệt 450 ngôn sứ của thần Ba-an trên núi Các-men như sau: Bấy giờ dân Ít-ra-en đã nghe hoàng hậu I-de-ven phá bỏ bàn thờ kính Đức Chúa để tôn thờ thần Ba-an và thần A-sê-ra của dân ngoại. Để trung thành với giao ước đã được Mô-sê ký kết với Đức Chúa tại núi Xi-nai (x. Xh 24,4-8) và phục hồi lai đức tin tinh tuyền cho dân Ít-ra-en, ngôn sứ Ê-li-a đã đứng ra công khai thách thức các ngôn sứ của thần Ba-an nhằm chứng minh cho vua A-kháp và toàn dân Ít-ra-en đâu là Thiên Chúa thực sự. Trước hết các ngôn sứ của thần Ba-an đã cầu khấn từ sáng tới chiều mà thần Ba-an vẫn im lặng. Đến lượt Ê-li-a vừa cầu nguyện xong thì Đức Chúa đã khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt lễ vật là con bò mộng trên đống củi ướt đẫm nước trên bàn thờ. Sau khi chiến thắng, dưới sự chứng giám của vua A-kháp, ngôn sứ Ê-li-a đã dùng gươm giết sạch 450 ngôn sứ của thần Ba-an theo luật giao chiến thắng thua của thời bấy giờ (x. 1 V 18,20-40).
3. Về án Tru Hiến và Biệt Hiến:
Nhằm mục đích kính dâng lên Thiên Chúa tất cả chiến lợi phẩm, Mô-sê đã ra luật như sau: các sinh vật của kẻ thù đều phải bị tiêu diệt hiến tế dâng mạng sống cho Thiên Chúa (tru hiến); các đồ vật phải được dành riêng dùng vào việc thờ phượng trong nơi thánh (biệt hiến). Vậy những điều luật Mô-sê truyền như vậy có quá đáng không ?
1) Giới hạn của Cựu Ước và Luật pháp Mô-sê:
Chúng ta cần biết rằng: Dân Ít-ra-en đã phải sống giữa các dân tộc ngoại giáo chung quanh có các nền văn hóa bán khai chứ không tiến bộ giống như ngày nay, tất nhiên dân Ít-ra-en cũng chịu ảnh hưởng của những nền văn hóa đó. Vì thế trong sách Luật Mô-sê vẫn còn những điều gây phản cảm cho con người thời đại hôm nay, khi họ đọc thấy những gương xấu của một số Tổ phụ, Vua chúa, một số điều Luật Mô-sê xem ra tàn bạo và thiếu khoan dung. Chẳng hạn:
-Tổ phụ Gia-cóp đã giả dạng người anh song sinh là Ê-sau đánh lừa cha già I-sa-ác bị mù lòa sắp chết để nhận được lời chúc phúc của cha già trước khi qua đời (x. St 27,1-29);
-Một số hành động vô luân như: vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với bà vợ của tướng U-ri-gia là nàng Bát Sê-va xinh đẹp. Khi nàng có thai, Đa-vít tìm cách lấp liếm tội lỗi nhưng không thành. Cuối cùng vua đã phạm tội ác “giết chồng đoạt vợ” khi ngầm ra lệnh cho đại tướng Gio-áp mượn tay quân thù ngoài mặt trận để hại chết tướng U-ri-gia (x. 2 Sm 11,2-17).
-Một số hành động tàn bạo như ra lệnh thi hành án tru hiến: Tiêu diệt mọi kẻ thù già trẻ lớn bé trong thành bại trận như sách Giô-suê Chương 6 thuật lại việc ông Giô-suê ra lệnh cho con cái Ít-ra-en: “Thành và mọi sự trong thành sẽ bị án tru hiến để kính Đức Chúa, chỉ có cô kỹ nữ Ra-kháp và một người ở với cô trong nhà là sẽ đuợc sống, vì cô đã giấu các sứ giả chúng ta sai đi. Tuy nhiên anh em phải đề phòng án tru hiến, kẻo anh em bị án tru hiến vì lấy đồ vật nào trong số những gì bị án biệt hiến. Bằng không, anh em sẽ làm cho trại Ít-ra-en phải bị án tru hiến, và như thế anh em gây tai họa cho trại. Tất cả vàng bạc, mọi đồ đồng, đồ sắt sẽ được thánh hiến cho Đức Chúa, và được xung vào kho tàng của Đức Chúa (Gs 6,17-19).
-Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể như thế, Thiên Chúa đã huấn luyện Dân Do thái dần dần, dẫn đưa họ từ tình trạng vừa bị nô lệ về xã hội, lại vừa bị nô lệ về tâm linh do chịu ảnh hưởng của dân ngoại… để tiến đến tình trạng một dân tộc hoàn toàn tự do theo thánh ý Thiên Chúa.
2) Theo kế hoạch của Thiên Chúa, luật Mô-sê chỉ có giá trị tạm thời, như Đức Giê-su đã giải thích cho những người Pha-ri-sêu hiểu vì sao Luật Mô-sê cho phép ly hôn như sau: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,8). “Thuở ban đầu” nghĩa là ý định nguyên thủy của Thiên Chúa như được nói trong sách Sáng thế. Luật Mô-sê có mục đích dẫn dắt những người « lòng chai dạ đá » dần dần đến với Đức Ki-tô là A-đam mới của nhân loại mới. Chính Đức Ki-tô được sai đến để kiện toàn Luật pháp Mô-sê bằng lời giảng dạy và bằng gương sáng.
-Tuy bộ luật Mô-sê còn hàm chứa nhiều bất toàn, nhưng so sánh với tập tục và cơ cấu xã hội của dân ngoại thời bấy giờ, thì đã có nhiều tiến bộ. Chẳng hạn: luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,23-25) của Mô-sê nhằm hạn chế sự báo thù: Mô-sê đòi dân Ít-ra-en khi báo oán cần phải có người làm trọng tài và không được gây thiệt hại cho kẻ thù quá mức thiệt hại họ đã gây ra cho mình. Cũng vậy đối với các nô lệ, trong khi luật của các dân khác cho người chủ nô toàn quyền sinh sát trên các nô lệ, thì luật Mô-sê hạn chế hình phạt của chủ dành cho nô lệ. Luật Mô-sê đòi người chồng muốn ly hôn phải trao cho vợ tờ ly thư để vợ cầm tờ giấy này có quyền đi lấy chồng khác, đang khi nơi các dân chung quanh chồng có quyền trừng phạt hành hạ vợ đến chết… Như vậy so với các dân chung quanh thời đó, thì luật Mô-sê đã có sự nhân đạo và tiến bộ hơn nhiều.
3) Hơn nữa nên biết rằng: Cho đến thế kỷ 2 trước Công Nguyên, dân Do thái vẫn chưa được Đức Chúa mặc khải về cuộc sống mai hậu của con người: Họ vẫn tin rằng sau khi chết, cả người lành lẫn kẻ dữ đều phải xuống nơi âm phủ. Thiên Chúa giàu tình thương và công bình sẽ thể hiện sự công minh của Ngài ngay trong hiện tại bằng việc bang trợ người lành và tiêu diệt những kẻ gian ác. Sự dữ được cụ thể hóa nơi những con ngừơi, các quốc gia và các thể chế chống lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa như một Chiến Binh hùng mạnh sẽ cứu dân Ít-ra-en bằng việc vung cánh tay quyền lực đánh bại các kẻ thù ghét hãm hại dân này. Ngài cũng sẽ trừng phạt dân Ít-ra-en nếu họ đi theo con đường gian ác phạm tội bằng cách để mặc cho dân ngoại chiến thắng dân Ít-ra-en, bắt họ phải làm nô lệ. Nhưng sẽ ra tay giải cứu khi họ thành tâm sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi gian ác để quay về nẻo chính đường ngay theo thánh ý Ngài.
4) Biệt hiến: Từ Do-thái “herem” mang các nghĩa cơ bản như sau:
– Một là lời khấn, qua đó người ta tình nguyện dâng hiến dứt khoát (không thể hồi lại) một vật gì đó (như: người, súc vật hay của cải) cho Thiên Chúa. Trong trường hợp có thánh chiến, dân Ít-ra-en sẽ cung hiến tất cả chiến lợi phẩm (người vật và của cải) cho Thiên Chúa: điều này đưa tới “án tru hiến”, tức là phải tiêu diệt tất cả những gì thuộc về phe bại trận bao gồm người già trẻ em không phân biệt nam nữ, súc vật và của cải.
– Hai là hình phạt trục xuất khỏi cộng đoàn trong một số trường hợp, mà hình phạt nặng nhất là tử hình.
5) Về việc thi hành “án tru hiến” đối với các thành bại trận, chúng ta cần phân biệt hai thời điểm : thời điểm các sự kiện xảy ra (thế kỷ XIII trước Công Nguyên) và thời điểm các bản văn Thánh kinh được ghi chép (thế kỷ VI trước CN) cách nhau tới 700 năm!
Các dữ kiện lịch sử về việc thi hành án tru hiến được ghi lại trong Cựu Ước như sau:
Sách Sa-mu-en (1 Sm 15) kể lại việc vua Sa-un (thế kỷ XI) đã không thi hành đầy đủ án tru hiến đối với dân A-ma-lếch. Sau vua Sa-un thì người ta không còn thấy việc thi hành án tru hiến nữa, trừ trường hợp thời vua A-kháp, một ngôn sứ vô danh đã tuyên sấm đòi phải tái áp dụng án tru hiến này (x. 1 V 20,42).
Theo sách Đệ nhị luật: án tru hiến chỉ được thi hành trong xứ Ca-na-an mà thôi, và không đòi thi hành tại những thành phố ở xa (Đnl 20,15-18), lý do Luật đưa ra là để dân Ca-na-an “không thể dạy anh em học đòi mọi điều ghê tởm mà chúng làm để kính các thần của chúng, khiến anh em phạm tội nghịch cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 20,18).
Như đã nói trên: việc Ít-ra-en tiêu diệt người, súc vật và của cải của đối phương nằm trong khung cảnh các nền văn hóa bán khai thời xưa: mặc dầu sự việc xảy ra rất ít tại Ít-ra-en, đang khi dân Ca-na-an còn có tục hỏa thiêu các hài nhi làm của lễ dâng tiến thần minh; Còn tại Át-xua ngoại giáo, họ còn dùng các hình phạt tàn bạo đối với kẻ thù như lột da sống các tù nhân bị bắt…
6) Đàng khác cần lưu ý về thời điểm cách biệt giữa thời gian các bản văn luật Mô-sê được soạn thảo vào thế kỷ VI trước Công Nguyên cách xa thời gian dân Ít-ra-en tiến chiếm hứa địa vào thề kỷ 14 trước Công Nguyên. Tác giả sách Đệ nhị luật là một trong những tác giả đã biên soạn sách Giô-su-ê đã viết lại các biến cố kia xảy ra trước đó tới 7 thế kỷ. Qua đó cho thấy: Tác giả sách Đệ Nhị Luật muốn trình bày ông Giô-su-ê như một vị anh hùng dân tộc, nên đã cường điệu hóa một số sự việc để đề cao các chiến công của ông. Đàng khác tác giả nhấn mạnh tới việc ông Giô-su-ê thi hành cách trung tín mệnh lệnh của Thiên Chúa để gìn giữ cho Dân Ít-ra-en khỏi bị lây nhiễm lối sống vô luân của dân Ca-na-an.
TÓM LẠI: Thánh chiến với án tru hiến trong sách Giô-su-ê và sách Đệ-nhị-luật là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó cho thấy một sự suy tư hậu thời về các biến cố đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, và như vậy nó mang tính lý thuyết hơn là đã xảy ra trong thực tế lịch sử. Sau nhiều thế kỷ sống chung với các dân ngoại, dân Ít-ra-en nhiều lần đã bị sa ngã vào tội thờ tà thần của họ và bắt chước lối sống vô luân của họ, nên tác giả hai sách Đệ-nhị-luật và Giô-su-ê muốn nêu cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông là tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng của dân ngoại. Điều này giống như một lý tưởng tôn giáo được đề ra để dạy dân Ít-ra-en trong các thời đại sau này mà thôi.
B. PHÚT HỒI TÂM:
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điểu răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
2. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin dạy các tín hữu chúng con luôn biết tin cậy yêu mến Chúa và sống giới răn “Mến Chúa Yêu Người” noi gương Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết luôn tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa đối với loài người chúng con, và luôn phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giê-su yêu thương hết mọi người và làm chứng cho tình thương vô biên của Chúa, hầu trở nên môn đệ thực sự của Người.- AMEN.
Hát bài: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hiệp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui”.
Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015
LM ĐAN VINH
Giám Huấn HHTM Trung Ương
Để lại một phản hồi
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.