Cấu trúc thánh lễ

Hỏi (chi tiết): 

3. Cấu trúc thánh lễ như thế nào?

 

Đáp: 

Thánh lễ gồm hai phần:

– Phụng vụ Lời Chúa.
– Phụng vụ Thánh Thể.

Hai phần này liên kết chặt chẽ với nhau làm thành một hành vi phụng tự duy nhất. Thật vậy, thánh lễ là bàn tiệc gồm Lời Chúa và Thánh Thể, nơi đây các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng.

Các nghi thức trước phần phụng vụ Lời Chúa (gồm bài ca nhập lễ, lời chào, nghi thức sám hối, kinh Thương xót, kinh Vinh Danh và lời nguyện nhập lễ) đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị.

Các nghi thức vừa kể trên nhằm giúp các tín hữu hiệp thông với nhau, chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa và cử hành thánh lễ cho xứng đáng.

A. Phụng vụ Lời Chúa

Phần chính yếu của phụng vụ Lời Chúa là các bài đọc trích từ Kinh Thánh, với những bài thánh ca kèm theo. Còn bài giảng, lời tuyên xưng đức tin (kinh Tin Kính) và lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, có mục đích khai triển và kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa.

B. Phụng vụ Thánh Thể

– Chuẩn bị lễ phẩm : chuẩn bị lễ vật mà trong giây lát nữa sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.
– Kinh nguyện Thánh Thể : là trung tâm và là đỉnh điểm của thánh lễ (chúng ta sẽ khai triển ở phần sau).
– Những nghi thức hiệp lễ : kinh Lạy Cha, chúc bình an, bẻ bánh, kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, rước lễ và lời nguyện hiệp lễ.

Sau phần Phụng vụ Thánh Thể là nghi thức kết lễ : chào và ban phép lành, và giải tán cộng đoàn giáo dân.

(Trích từ tập sách “40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ” của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi